Chứng ít kinh nguyệt là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng ra máu bất thường trong chu kỳ. Ngay cả khi ra máu ít giúp bạn thoải mái hơn, đó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng. Bình thường, trong những ngày đặc biệt hàng tháng, cơ thể sẽ mất đi khoảng 30-50 mL máu. Tuy nhiên, con số này chỉ là 30 mL đối với người mắc bệnh tiểu đường.
Lina Akopians, chuyên gia nội tiết tại Trung tâm điều trị Sinh sản ở Nam California cho biết, chu kỳ kinh nguyệt có thể ảnh hưởng tới nội tiết tố và một vài cơ quan trên cơ thể. Dưới đây là những lý do có thể giúp bạn giải đáp nguyên nhân gây nên hiện tượng bất thường này:
Mang thai
Trên thực tế, quan điểm mất kinh nguyệt khi có bầu là sai lầm. Janet Choi, chuyên gia y khoa kiêm giám đốc tại Trung tâm y tế Sinh sản Colorado ở New York khẳng định, một số phụ nữ mang thai vẫn có khả năng ra máu trong chu kỳ kinh nguyệt.
Ra máu ít hoặc xuất hiện đốm máu là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung. Đây là tình trạng nguy hiểm nên nếu nghi ngờ, bạn hãy đi kiểm tra càng sớm càng tốt.
Thay đổi cân nặng
Khi tăng hoặc giảm nhiều cân, chu kỳ kinh nguyệt sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, ra máu ít là hiện tượng không đáng lo khi bạn bỗng dưng thay đổi trọng lượng cơ thể. Eve Espey, giáo sư kiêm trưởng khoa phụ khoa tại Trường Y thuộc Đại học New Mexico khuyên, để duy trì chu kỳ kinh nguyệt diễn ra bình thường, hãy cân bằng các chất cần thiết như protein, carbohydrate, chất béo và vitamin trong cơ thể.
Stress
Làm việc liên tục kết hợp với việc thiếu thời gian nghỉ ngơi có thể gây stress. Theo tiến sĩ Randy Simon, nhà tâm lý học lâm sàng tại Trung tâm nghiên cứu Montclair Summit, New Jersey, tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tâm trạng của bạn mà còn tác động không nhỏ tới chu kỳ kinh nguyệt. Căng thẳng kéo dài đồng nghĩa với lượng hormone trong cơ thể sẽ mất cân bằng. Hơn nữa, tập thể dục quá mức cũng tạo gánh nặng cho cơ thể, khiến lượng máu ra bất thường.
Tuyến giáp hoạt động quá mức
Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ, bên dưới thanh quản và làm nhiệm vụ giải phóng hormone kiểm soát quá trình hoạt động của cơ thể. Rocío Salas-Whalen, chuyên gia y khoa kiêm nhà nội tiết học tại Phòng khám Manhattan cho biết, nếu bộ phận này hoạt động qua mức, hiện tượng cường giáp sẽ xảy ra, gây nên những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim, cao huyết áp và ảnh hưởng tới cơ bắp.
Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn bình thường là một trong những triệu chứng của tình trạng này. Một số người còn có thể cảm thấy một vài cục u nhỏ xuất hiện ở cổ khi nuốt. Nếu nhận thấy những dấu hiệu này, bạn hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Sử dụng thuốc kiểm soát nội tiết tố
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến chu kỳ kinh nguyệt diễn ra ngắn hơn bình thường là sử dụng thuốc kiểm soát nội tiết tố. Theo Angela Chaudhari, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ phụ khoa tại Bệnh viện Northwestern Memorial, một số bác sĩ còn kê loại thuốc này cho những phụ nữ ra nhiều máu vào những ngày đặc biệt trong tháng.
Do đó, chu kỳ kinh nguyệt giảm hẳn là hiện tượng bình thường nếu bạn đang sử dụng loại thuốc kiểm soát nội tiết tố.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Tình trạng này xảy ra khi buồng trứng sản sinh một lượng lớn hormone nam giới androgen bất thường. Những phụ nữ mắc phải hội chứng này thường có những khối u nang, túi dịch lỏng hình thành trong buồng trứng. Gokhan Anil, bác sĩ phụ khoa tại Bệnh viện Mayo cho biết, sự biến đổi hormone sẽ ức chế quá trình rụng trứng, dẫn đến những triệu chứng khó chịu như nổi mụn trứng cá, da dầu, tăng cân và mọc tóc.
Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn bình thường hoặc ra ít máu cũng là những dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang. Hãy tìm tới sự trợ giúp của các bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn nhận thấy những triệu chứng này.
Lão hóa
Tuổi tác cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Khi tiến tới thời kỳ mãn kinh, nồng độ hormone trong cơ thể giảm đi, khiến máu ra ít hơn bình thường. Đôi khi quá trình lão hóa có thể thay đổi chu kỳ khiến mọi người dễ nhầm tưởng tới dấu hiệu của tình trạng vô sinh.
Hẹp cổ tử cung
Dù hiếm gặp, hiện tượng này khiến cổ tử cung bị hẹp hoặc đóng lại hoàn toàn. Do đó, khi tới chu kỳ, máu có thể bị mắc kẹt hoàn toàn trong tử cung hoặc chảy từ từ ra ngoài. Nếu gặp phải tình trạng này, đi kèm với hiện tượng đau nhức bụng nghiêm trọng, bạn hãy đến khám bác sĩ để được tư vấn cách giải quyết.
Mô sẹo trong tử cung
Hầu hết những phụ nữ trải qua quá trình nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung đều không gặp phải tác dụng phụ. Tuy nhiên, đôi khi quá trình này có thể tạo ra những vết sẹo khiến thành tử cung dính vào nhau và gây nên hội chứng Asherman.
Do đó, đây có thể là nguyên nhân khiến chu kỳ kinh nguyệt diễn ra bất thường. Thông thường, chuyên gia Yvonne Bohn, bác sĩ phụ khoa tại Trung tâm Cystex cho hay, các bác sĩ sẽ làm phẫu thuật để cắt bỏ những mô sẹo còn sót lại trong tử cung.
Mất nhiều máu khi sinh con
Đây là tình trạng rất hiếm gặp nhưng có thể ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Mất rất nhiều máu sẽ giảm thiểu lượng oxy trong cơ thể, gây tổn thương tuyến yên và làm xuất hiện hội chứng Sheehan.
Do đó, theo Mary Jane Minkin, bác sĩ phụ khoa kiêm người sáng lập trang web tư vấn y khoa MadameOvary.com, chúng ức chế quá trình sản sinh các hormone tuyến yên, trong đó có hormone kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt. Các bác sĩ có thể tiến hành liệu pháp thay thế hormone để ngăn ngừa tình trạng này.
(Nguồn: Pre)